Kinh tế Trường_Yên,_Hoa_Lư

Cư dân xã Trường Yên có các nghề xây dựng, chế tạo đá mỹ nghệ, trồng lúa, chăn thả dê núi, đánh cá và kinh doanh du lịch.

Tiểu thủ công nghiệp

Trường Yên vốn có nghề thợ xây đá nổi tiếng. Những hòn đá xanh đặc trưng với đủ hình thù khác nhau dưới đôi bàn tay khéo léo của người thợ trở thành những bức tường nhà rất đặc trưng. Lịch sử phát triển của nghề cũng như tổ nghề đến nay chưa rõ nhưng sự hình thành và phát triển của các làng nghề truyền thống này được lý giải là sự kết hợp giữa tài khéo léo sẵn có của dân làng với thế đất, vùng đất đặc thù tạo thành những sản phẩm rất riêng, đặc trưng. Trường Yên là xã được bao quanh bởi hàng loạt những núi đá vôi. Chính đá là cơ sở để hình thành nghề thợ xây đá truyền thống. Hiện Trường Yên có đội ngũ thợ xây hùng hậu với khoảng 500 thợ. Xã có hàng chục doanh nghiệp xây dựng có thể nhận thầu các công trình lớn đòi hỏi kỹ thuật khó. Nhiều công trình trùng tu chùa chiền, lăng tẩm, di tích được người thợ Trường Yên thực hiện rất tốt. Trước đây, thợ Trường Yên làm thủ công là chính, nay đã có khả năng sắm sửa các phương tiện hành nghề và các dụng cụ thi công tiên tiến khác.

Sản xuất nông nghiệp

  • Nghề trồng lúa: đất trồng lúa ở Trường Yên là đất thuộc vùng chiêm trũng, nhiều diện tích trồng lúa đã bị thu hẹp phục vụ việc xây dựng hạ tầng khu du lịch Tràng An.
  • Nghề chăn thả dê núi: nhờ có hệ thống núi đá vôi thuộc khu rừng văn hóa lịch sử môi trường Hoa Lư mà cư dân Trường Yên có điều kiện thuận lợi để phát triển giống dê núi Ninh Bình đặc trưng để phục vụ phát triển kinh tế du lịch.
  • Nghề khai thác thủy sản: Hệ thống núi đá vôi ngập nước là nơi sinh sống của nhiều loài động thực vật phục vụ nhu cầu con người. Ở Trường Yên hiện đang phát triển nghề nuôi cá tràu Tiến Vua và cá rô Tổng Trường. Ngoài ra còn có nhiều ngư dân tham gia đánh cá trên sông Hoàng Long.

Kinh doanh du lịch

Trường Yên có khu du lịch Tràng Ancố đô Hoa Lư là những điểm du lịch lớn thuộc quần thể di sản thế giới Tràng An, thu hút hàng triệu lượt khách mỗi năm. Xã cũng nằm trên tuyến đường dẫn vào chùa Bái Đính, nhờ đó mà nghề kinh doanh du lịch phát triển. Dọc đường Tràng An và quốc lộ 38B là hệ thống nhà nghỉ, khách sạn, nhà hàng, nhà ở du lịch gia đình phát triển mạnh. Nhiều người dân Trường Yên còn tham gia chèo đò tại các khu du lịch.

Chợ Cầu Đông

Chợ Cầu Đông, trước đây còn gọi là chợ Rền/Dền, là một chợ cổ, nằm ở vị trí đắc địa: một bên là sông Sào Khê và một bên là đường 12C cũ, nay là quốc lộ 38B thuộc xã Trường Yên. Đây là chợ quê trên địa bàn huyện Hoa Lư nằm trong danh sách các chợ loại 1, 2, 3 ở Ninh Bình từ năm 2008.

Chợ nằm ngay ở vị trí cửa Đông của cố đô Hoa Lư xưa, nơi đây có cầu Đông bắc qua sông Sào Khê. Theo sử sách thì chợ Cầu Đông có từ thời Đinh với tên gọi Cách Tường Triền Thị (隔 墙 廛 市), vì nó nằm cạnh một bức tường thành. Về sau chữ Triền (trung tâm buôn bán, tức chợ búa) được đọc trệch thành Dền/Rền. Địa danh Cách Tường Triền thị được ghi lại trong cuốn Trường Yên Thượng xã quan điền (Ruộng đất công làng xã của xã Trường Yên Thượng) [1]. Năm 976, dưới triều đại Đinh Tiên Hoàng Đế, thuyền buôn của nước ngoài đã đến dâng sản vật, kết mối giao thương tại kinh đô Hoa Lư.

Khác với Cách Tường Triền Thị là một chợ lớn của cố đô Hoa Lư xưa, chợ Cầu Đông ngày nay chỉ là một chợ nhỏ, bán thực phẩm và các nhu yếu phẩm, và có những nét sinh hoạt mang đặc trưng cơ bản của vùng nông thôn.

Trong chợ còn có phủ Chợ thờ quan phụ trách ca hát và bà tổ hát chèo Phạm Thị Trân. Trước đây, trong phủ có bức đại tự Thái Bình âm (太平音: Tiếng ca thái bình), nhưng đã bị phá đi từ sau Cách mạng tháng tám.

Liên quan

Trường Trung học phổ thông Chu Văn An, Hà Nội Trường Trung học phổ thông chuyên Hà Nội – Amsterdam Trường Đại học Ngoại thương Trường Trung học phổ thông chuyên, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh Trường Chinh Trường Đại học Duy Tân Trường Đại học Cần Thơ Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội Trường Trung học phổ thông Nguyễn Thị Minh Khai

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Trường_Yên,_Hoa_Lư http://www.hanoimoi.com.vn/vn/53/12058/ http://www.nguoidaibieu.com.vn/pPrint.aspx?itemid=... http://www.monre.gov.vn/monrenet/default.aspx?tabi... http://quanlytuvien.ninhbinh.gov.vn/bando/xem/26 http://baoninhbinh.org.vn/can-co-giai-phap-khoi-ph... http://baoninhbinh.org.vn/news/5/2DA78E/Nhung-phan... http://vanhocnghethuatninhbinh.org.vn/index.php?op... http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/48343/print/D... http://www.tienphong.vn/Tianyon/Index.aspx?Article...